Nếu bạn cho rằng tài chính là một vấn đề khô khan, vậy tại sao không thử biến việc lập ngân sách thành một trò chơi thú vị. Hãy thử đặt ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn, và bạn sẽ nhận thấy việc quản lý ngân sách của mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trò chơi “tháo lắp” ngân sách
Ngân sách chi tiêu cũng có thể “tháo lắp” được. Hãy “lắp” vào những khoản ngân sách thực sự cần chi theo thứ tự ưu tiên và bắt buộc, đồng thời “tháo” ra những khoản chi tiêu không thực sự cần thiết trong cuộc sống.
Theo nguyên tắc này, nhà hoạch định tài chính Roger Ma đã thử chơi một trò chơi thú vị. Anh bắt đầu cắt giảm hoặc chi trả ít hơn các khoản phí mà anh cho rằng có thể chi tiêu linh hoạt hơn với chúng, chẳng hạn như phí tài khoản ngân hàng hay dịch vụ internet.
Anh cho biết, bằng việc cắt giảm chi phí như vậy, anh đã giảm được hẳn 200$, tức hơn 4 triệu đồng cho chi phí lặt vặt mỗi tháng.
Trò chơi “hạn mức”
Chơi một mình thì chán – thế nên đừng ngại rủ rê bạn bè hay người thân tham gia vào các thử thách tài chính này. Người sáng lập trang web tài chính cá nhân Collecting Cents – cô Freya Kuka đã tổ chức các cuộc thi và thử thách dành cho những người đang tập tiết kiệm. Họ đều là những người thân quen của cô như là chồng chưa cưới hoặc mẹ ruột. Luật chơi vô cùng đơn giản. Những người tham gia sẽ đồng ý với mức chi tiêu ít hơn 200$ trong một tuần. Người chiến thắng là người tiến gần nhất đến mức chi tiêu đó.
“Vấn đề không phải là giải thưởng mà mục tiêu cuối cùng chính là một buổi xem phim hoặc một buổi ăn tối bên ngoài cùng nhau”, cô cho biết. “Ai thắng sẽ là người phải trả tiền buổi hôm đó. Với một thử thách dễ dàng và thú vị như vậy, bạn còn có thể thắt chặt mối quan hệ với những người cùng tham gia trò chơi”.
Mách nhỏ: Bạn cũng có thể đặt mục tiêu chi tiêu cho một danh mục duy nhất, ví dụ như ăn uống hoặc mua sắm.
>>> Đón đọc: 5 bước đơn giản trong việc thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân mà bạn không nên bỏ qua
Tạo ra những thử thách thú vị
Người sáng lập trang web tài chính cá nhân Money for the Mamas – Kari Lorz trong chia sẻ với The Balance đã cho biết, để cho việc lập ngân sách thú vị hơn, hãy nghĩ đến việc tạo ra những thử thách.
Lorz in ra các thử thách và dán lên tủ lạnh để tự nhắc nhở mỗi ngày về các mục tiêu ngân sách. Nội dung được in ra là các khoản chi tiêu, hoặc các biểu đồ dạng cột để cô hình dung rõ hơn các khoản tiết kiệm.
Chỉ để lại những danh mục cần thiết
Lorz quyết định đặt ra thử thách “Không chi tiêu trong một tháng” để giúp cô điều chỉnh nhu cầu so với mong muốn của mình.
Cô nói: “Tôi chỉ chi tiền cho những thứ cần thiết tuyệt đối, chẳng hạn như xăng xe, đồ tươi sống, các sản phẩm từ sữa, thịt tươi hoặc đơn thuốc. Mọi thứ khác có thể bỏ qua”.
Viết nhật ký “Không chi tiêu”
Nếu bạn đã theo dõi chi tiêu của mình thì chúc mừng bạn, bạn đang bắt đầu kiểm soát được nó rồi đấy. Nhưng trong một tuần, hãy thử ghi lại những món đồ bạn đã nhìn thấy, bạn muốn mua, và sau đó quyết định không mua trong một danh mục cụ thể, cho dù đó là bánh quy với giá 20 nghìn đồng (hàng tạp hóa) hay vòng cổ với giá vài trăm nghìn đồng (quần áo, phụ kiện). Vào cuối tuần, hãy cộng lại số tiền bạn đã tiết kiệm được nhờ sức mạnh của việc nói “không” này nhé.
Ăn mừng chiến thắng
Đừng ngại tự thưởng cho bản thân vì những nỗ lực của mình. Ví dụ, bạn có thể dành một khoản tiền nhỏ trong ngân sách để chi tiêu bất ngờ như mua một món đồ yêu thích để tự tặng cho bản thân hoặc tự thưởng cho mình một bữa ăn hoành tráng.
Steffa Mantilla, một giảng viên giáo dục tài chính và là người sáng lập trang web tài chính cá nhân Money Tamer cho biết: “Nếu bạn tiết kiệm ngân sách, hãy dành một phần tiền dư để làm điều gì đó thật vui”.
Chắn hẳn, bạn đã đạt được khá nhiều thành tích với những trò chơi tài chính này đúng không, nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng nhé. Việc gắn bó với kế hoạch chi tiêu cần rất nhiều tâm huyết và sự chăm chỉ của bạn.
Bạn đang xây dựng những thói quen mới và học cách thúc đẩy bản thân chi tiêu trong mức ngân sách hợp lý, vì vậy đừng tự đánh giá mình quá tệ nếu bạn không thể tuân theo các mục tiêu của mình ngay lập tức.
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp bản thân duy trì ngân sách là học cách tách biệt mong muốn và nhu cầu.
Bằng cách thực hiện những thói quen về tài chính như trên, bạn sẽ cảm thấy việc quản lý chi tiêu của mình trở nên tốt hơn, từ đó hướng đến việc tiết kiệm hoặc đầu tư nhiều hơn cho những mục tiêu dài hạn.